Truyện ngắn Nguyễn Thụy Như Khuê
Đêm cuối của cuộc đời công chức tận tụy, ngày mai vào cơ quan bàn giao chức vụ, anh Hai trằn trọc không sao ngủ được. Cả một đời tâm nguyện làm “đầy tớ của dân”, bây giờ khi sắp giã từ ghế giám đốc Công ty, anh Hai thấy lòng day dứt khôn nguôi.
Khoảng vài tháng nay, anh Hai cảm nhận có một sự thay đổi ghê gớm.
Trước hết, anh thấy mình hơi…khang khác.Thể xác mệt mỏi. Đôi lúc buồn vô cớ.Có lần đang cười nói “xôm tụ” với nhân viên về những chuyện “tào lao bắc xế”, tự nhiên anh Hai…mất hứng lãng nhách. Đầu óc đôi khi rã rời, suy nghĩ mông lung. Hiệu suất làm việc giảm sút rõ rệt. Ngay cả chữ ký cũng có nét run và mờ hơn trước.Nhiều khi anh cũng chẳng biết rõ lý do tại sao. Có thể ngày… “về” đã đến gần nên anh lo chăng?
Chẳng những thế, anh Hai cảm nhận tụi “cận thần” cũng …rục rịch “giảm tải giao lưu” với mình. Thằng Mười Nổ “cúp” luôn mấy món đặc sản xứ rừng U Minh. Trước đây, độ vài tuần có dịp về quê là nó mang lên đầy đủ “sơn hào hải vị”, không ba ba, cua đinh thì cũng rùa, rắn, tệ lắm thì cũng cá lóc, cá rô “bự tổ chảng”.Hổm rày bà xã nỗi hứng thèm…cá trê đồng, anh Hai vào cơ quan nói gần nói xa chứ… không dám nói thật nhỡ khi nó từ chối mà có mất mặt.Nhưng đợi hoài cũng chẳng thấy…tăm hơi. Ngộ thật,dạo này độ “thính” của nó cũng giảm theo …tuổi hưu của mình sao? Về nhà, vợ hỏi: “Sao không thấy con gì hết vậy ông?”. Bí quá, anh Hai nói dóc luôn “Bà đợi đi, thằng Mười đi công tác xa, khi nào nó về tha hồ mà…”. Buồn lắm nhưng anh Hai không dám thổ lộ cho chị nghe vì sợ chị không vui. Còn thằng Tư Lựu Đạn hổm rày cũng … “bỗng dưng muốn tránh”. Rủ đi ăn sáng, nó cũng năm lần bảy lượt từ chối với đủ mọi lý do: lúc thì đưa con đi học sớm, khi thì vợ nhức đầu, lúc thì bể ruột xe, khi thì…đau răng. Còn thằng Ba hành chính, chủ đại lý bia cũng … “lặn” mất tăm. Bấy lâu nay, hễ anh “hú” một tiếng hoặc nhà có tiệc là…nhanh như chớp, có bia uống thỏa thuê. Hôm rồi, trong một cuộc họp, nhân lúc giải lao, nó “chặn đầu” anh trước: “ Khổ quá anh Hai ơi! Bà già vợ em giành quyền quản lý rồi. Anh biết đấy, phận làm rễ “ăn nhờ ở đậu” biết làm sao được. Nhậu một lon cũng bị tụi em vợ liếc ngang liếc dọc”. Nó nói thế thì chỉ thằng điên mới không hiểu. Thôi thì đủ mọi lý do dẫu biết là không chính đáng đấy nhưng đành chịu. Biết tụi nó toàn là bọn “thượng đội hạ đạp” nhưng làm sao đây? Giận dỗi ư? Không được.Nhắc nhở ư? Cũng không được nốt. Mình gần hưu rồi, may mốt còn phải nhờ vả tụi nó nữa chứ! Nếu làm căng thì chỉ có nước…húp cháo trắng. Đời …quan của mình đến đây là hết.Hết rồi!
Anh hai buồn cũng phải.Không biết lấy tín hiệu từ “rađa” nào mà gần đây rộ lên thông tin anh Chín Tám Tư ( vì anh chỉ sử dụng độc nhất chiếp cúp 84 đi làm) lên thay anh Hai nên tụi nó tranh nhau rủ anh Chín đi liu riu “liên tu bất tận”. Khổ nỗi, anh Chín không phải là… đệ tử Lưu Linh nhưng “trúng độ” nhậu với “chiến hữu” liên tục. Tụi nó chỉ cần anh Chín có mặt để “làm” một, hai chai bia và… ăn mồi là đủ sướng rồi. Còn anh Chín, tuy “yếu cơ” nhưng phải “gồng” vì hai lý do: một là muốn lấy lòng anh em đơn vị “để còn ủng hộ mình nũa chứ!”, còn lý do khác quan trọng hơn là “mượn” anh em để …tập dượt uống bia nhằm sau này có lên chức giám đốc cũng không đến nỗi tệ về …tửu lượng.Cái khoản ngoại giao, tiếp khách, giao lưu mà giám đốc tệ quá thì đâu được. Vì vậy nên phải… Thế đấy, biết là lợi dụng qua lại nhưng vẫn hết sức vui vẻ, nhiệt tình. Không hiểu nỗi.Ngộ thật. Mấy thằng nó cơ hội quá! Bây giờ, anh Hai nhớ lắm những lời tâng bốc, ca ngợi mình lên tận mây xanh trong những lần …cụng ly thâu đêm suốt sáng. Dẫu biết là xạo đấy! Nịnh bợ lộ liễu đấy! Làm gì mình giỏi và tài đến thế! Năng lực bản thân mình, mình biết mà! Chỉ nhờ “khôn” thôi. Nhưng vẫn thinh thích, thậm chí sướng…gân người. Một cảm giác rất lạ. Nó hay hay làm sao ấy. Cảm giác ấy chỉ có ở những người có chức thôi, như mình chẳng hạn.Đúng là một thời oanh liệt. Bây giờ “oanh” chẳng còn mà chỉ thấy sắp … “liệt” đến nơi rồi! Anh Hai biết, có cại miệng chắc gì tụi nó nói, tâng bốc mình như xưa. Trước, một tiếng cũng anh Hai, hai tiếng cũng anh Hai. Tất cả răm rắp như…lập trình. Bây giờ thì một cái gật đầu xã giao khi vô tình chạm mặt cũng hiếm …như lá mùa thu.
Chặng đường dài tới chức giám đốc khiến con người anh Hai thay đổi. Anh nhiều lần phải đi bằng…đầu gối, lạy lục các “sếp”. Thậm chí, anh Hai sẳng sàng báng bổ, chà đạp, chơi xấu không thương tiếc những “chí cốt”, những đồng nghiệp tận tụy chỉ với mục mục đích duy nhất: cái ghế.
Nhiều lần, anh Hai tự hỏi tại sao mình ngày càng vô cảm, trái tim mình ngày càng khô khan. Giờ đây, anh thầm biết trên con đường công bộc, anh dần xa lạ với chính mình. Có lần, bà ngoại của “sếp” bệnh.Anh thầm nghĩ không nên thăm vào “giờ cao điểm” vì lúc đó đông khách, “sếp” không nhớ hết và “tiếp cận” “sếp” cũng khó. Phải lựa “giờ vàng” thì thủ trưởng mới nhớ, mới “để ý”. Lần nọ, bà già của một “sếp” khác lâm trọng bệnh. Anh sốt sắng: “Phải chi bả chết sớm để mà có dịp “đội ơn” quan một cách hợp pháp”.Quả nhiên, Trời không phụ lòng người, chẳng bao lâu thì nhà “sếp” có …đám tang, anh “lại quả” không ít. Anh Hai là thế đấy! Anh không từ bỏ bất cứ một thủ đoạn nào nhằm phục vụ cho con đường thăng tiến của mình.Cách nay gần 20 năm, khi ấy, thằng Tài được xem là một cán bộ rất có năng lực, trình độ học vấn cao, sống đạo đức. Anh Hai ngó bộ thấy mình là đối thủ không cân sức với nó nên tìm mọi cách hãm hại không thương tiếc khiến nó ngốc đầu lên không nỗi và còn bị chuyển công tác.
Anh trở mình, thở dài.
Mình thay đổi nhiều quá! Thằng Hai Cù- Nguyễn Văn Cù - đã chết tự bao giờ. Bấy lâu nay, mọi người chỉ biết đến cái tên đầy kiêu sa: anh Hai Sung.
Anh chợt nhói đau. Hai taygác trán. Mở mắt thấy vợ đang lụi hụi.
Vẫn như mọi khi, độ hơn ba giờ sáng, chị thức dậy dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ . Sau đó, chị chuẩn bị quần áo, giày vớ để sáng anh đi làm. Đâu vào đấy, chị dọn hàng ra chợ bán. Xem tiếp