TÌNH ĐỜI, TÌNH NGƯỜI (P3) Nói xong, người thiếu phụ quay qua Hồng: - Chịu đi con. Chỉ cần vệ sinh cho ổng cũng được.Còn tắm rửa thì ba ngày không được thì một tuần. Hồng nhìn hai vợ chồng họ mà không thốt nên lời. - Con…con… - Sao? Chê lương ít hả? Muốn ăn thì lăn vào bếp. Lĩnh lương cao thì phải tắm rửa cho …ba của tụi nó chứ! Người đàn ông nhìn cô thiếu nữ như muốn…Ánh mắt ông lộ lên vẻ lo sợ.Có lẽ ông cảm thấy không an tâm về điều gì đó. Ông muốn nói lắm.Ông muốn…Hồng thấy hình như ông van nài thì phải. Tại sao? Tại sao như thế? Hồng nhắm mặt lại: - Con không chê lương ít nhưng con sợ… không làm được. Một mình con không làm nổi.Vả lại, con…con…là… - Trời ơi! Sao rắc rối quá. Trễ giờ hẹn với đối tác rồi. Ổng có liệt hết đâu mà sợ. Một chân còn nhúc nhích để gượng được mà! Nếu có nhà, tôi và tụi nó tiếp một tay là xong chứ gì! - Nhưng từ trước tới nay con chỉ tắm cho em trai và bà nội con thôi chứ chưa … - Chưa chứ không đâu mà sợ. - Nhưng mà …khó lắm. - Ngại gì!Bất quá cứ nhắm mắt tạt vài xô nước là xong. - Nhưng tôi không thể… Nói xong, Hồng vội chạy như người mất hồn. Hồng nhận biết rằng có hai người đang thất vọng tột cùng. Cô nghe tiếng thở dài vô tận của người vợ trẻ và tiếng nất nghẹn của người chồng.
***
Bà chủ đưa Hồng ra cổng rồi nói đổng: - Ông Trời ơi, công cứu ổng làm chi để giờ khổ vợ, khổ con nè trời! “Gầm”. Cánh cửa vội đóng lại nhốt chặt cái tình đời, tình người vào bốn bức tường kín mít và tối bưng. *** Hồng thẩn thờ. Tình đời, tình người là thế đó sao? Có thể, khi còn khỏe mạnh, người chồng là điểm tựa của gia đình, là người đem lại tiền bạc, danh vọng, quyền uy… cho cả nhà.Có thể, trước đây bà thương ông lắm. Có thể, khi chưa bị tai nạn, gia đình này sống hạnh phúc thì phải. Vâng hạnh phúc được đặt trên mống của vật chất, của tiền tài, của sự tính toán…thì mong manh lắm. Mong manh như khoảng cách của hai vợ chồng. Gần đó mà xa đó. Xa đó mà gần đó.Khoảng cách xa - gần đó chỉ có người trong cuộc mới đo chính xác được. Hiện tại, người chồng phải đón nhận một thực tế mà chắc chắn rằng trước đây có mơ cũng không thấy được. Bây giờ, ông là kẻ tàn phế,là kẻ bỏ đi.Có thể, trong thâm tâm, ông muốn chết quách đi cho rồi nhưng phải ráng sống mà nhìn đời, nhìn nhân tình thế thái, nhìn vợ, nhìn con. Cũng may, trời thương nên cho ông còn đôi mắt để nhìn và khóc.Nhưng nhìn làm gì? Khóc để làm gì cơ chứ? Có ai tiếc thương cho ông đâu? Có thể, trước đây, chỉ cần một cái nhìn thôi thì… cũng đủ để bà răm rắp, sợ sệt và…run bần bật; chỉ cần một giọt nước mắt thôi thì…cũng đủ để bà quan quan tâm hỏi cho ra ngô ra khoai: “ Tại sao anh khóc?”, “Anh nhớ kỷ niệm xưa của mình à?”, “ Công việc ở công ty làm anh lo à?”…. Bây giờ thì…Đúng là tình đời, tình người sao mà khó đoán quá. Sực nhớ đến ánh mắt não nề của người chồng, Hồng ray rứt. À! Mình đang kiếm tiền chữa bệnh cho bà mà! Giúp ông ta vừa được …tiền, vừa không mất tình. Sao lại nỡ từ chối một người sắp chết đuối khi mà mình có đủ khả năng. Nhưng…không được. Nó làm sao ấy. Thôi kiếm việc khác hay hơn, nhẹ người hơn như tạp dịch, rửa chén cho tiệm cơm, tiệm phở nào đó chẳng hạn? Nếu mà mình không giúp ông ta thì cũng có người khác nhảy vào. *** Ngoài đường, nắng vẫn chang chang,dòng người vẫn hối hả. Dắt chiếc xe đạp cà tàng mà lòng bứt rứt. Hình như mình vừa đánh rơi lòng trắc ẩn thì phải.Hồng như hẫng nhịp bước. Dẫu vậy, Hồng vẫn không đủ can đảm để quay lại và nói với người đàn bà một câu nhẹ nhàng: “ Tôi chấp nhận”. Hình như có một lực nào đó rất mạnh ngăn cản những gì Hồng muốn làm. Hồng dừng xe lại. Trong đầu cô vẳng lên tiếng nói của ai đó: “Cô vừa đánh rơi đôi cánh thiên thần, cô có biết không?”. Hồng òa khóc. *** Dòng người tất bật. Nắng ngày càng gắt . Tiếng còi xe của giờ tan ca inh ỏi đến nhức óc. Mặc. Hồng đột ngột quay lại, đạp thục mạng về hướng ngôi nhà có người đàn ông tội nghiệp.
***
Dàn bông giấy vẫn đung đưa trước gió. Nước vẫn chảy róc rách trong hòn non bộ. Cửa đã khóa tự bao giờ. Hồng thẩn thờ lê từng bước… Hình như dàn bông giấy đang nghiêng đầu thở dài nhìn đôi mắt cô bé đang tuôn những dòng lệ nghẹn ngào… (Rạch Giá, tháng 8/2010) |